Vùng Đông Nam bộ có tiềm lực kinh tế mạnh và hiện đại nhất Việt Nam, tương lai phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới.
Đầu tháng 5 vừa qua, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi ranh giới quy hoạch Vùng này bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.
Mục tiêu quy hoạch đến năm 2050, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới; có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Dưới đây là viễn cảnh phát triển trong tương lai của vùng Đông Nam Bộ do ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra.
Tại Hội nghị triển khai thực hiện quy hoạch vùng hôm 5/5 ở Tây Ninh, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ năm 2023 cao hơn mức bình quân chung cả nước. Cụ thể, quy mô GRDP của vùng đóng góp vào GDP cả nước lớn nhất (chiếm 30,2% GDP), GRDP bình quân đầu người, đạt 166 triệu đồng, thu hút đầu tư nước ngoài có 4/6 địa phương trong vùng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Với vị thế vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, vùng Đông Nam bộ cũng là vùng có hệ thống đô thị phát triển bậc nhất, trong đó, TP.HCM đóng vai trò đô thị trung tâm, đô thị lớn nhất vùng và của cả nước.
Theo quy hoạch, Khu vực Đông Nam Bộ sẽ tập trung phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương và thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành. Phát triển đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) là trung tâm công nghiệp sạch, dịch vụ logistics, trung tâm giải trí và du lịch cảnh quan sinh thái. Xây dựng đô thị sân bay Long Thành là đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế với các chức năng đô thị, dịch vụ, công nghiệp tiêu chuẩn cao; khai thác lợi thế của cảng hàng không trung chuyển quốc tế để tạo động lực phát triển mới.
Phát triển thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Phát triển mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao của vùng Đông Nam Bộ đồng bộ, hiện đại, có một số công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được công tác huấn luyện, luyện tập của vận động viên cũng như yêu cầu tổ chức các sự kiện thể dục thể thao mang tầm khu vực và châu lục. Xây dựng Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Rạch Chiếc tại TP Hồ Chí Minh. Xây dựng một số công trình, khu liên hợp thể dục thể thao tại các tỉnh có điều kiện, đủ khả năng tham gia tổ chức các sự kiện thể thao cấp vùng, quốc gia và khu vực.
Về giáo dục, vùng Đông Nam Bộ phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, với trung tâm là TP Hồ Chí Minh, có cơ cấu hợp lý, chất lượng đào tạo cao, hiệu quả, công bằng và hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong tất cả lĩnh vực trọng điểm cho vùng và cả nước. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia; phát triển các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.
Nghiên cứu phân bổ, bố trí một số bệnh viện chuyên sâu tại các địa phương trong vùng tại các địa điểm thuận lợi về giao thông liên tỉnh, liên vùng nhằm mở rộng khả năng tiếp cận cho người bệnh các địa phương và giảm tải cho TP Hồ Chí Minh. Tiếp tục duy trì, phát triển, nâng cao năng lực và bảo đảm hiệu quả hoạt động bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện trung ương tại các đô thị tỉnh lỵ như: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Tây Ninh. Xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu tại TP Hồ Chí Minh; đầu tư các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc gia, quốc tế; hướng tới mục tiêu đưa TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN
Bên cạnh việc phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm cấp vùng về dịch vụ, thương mại, đô thị du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, trung tâm dịch vụ cảng biển và dịch vụ dầu khí quan trọng của quốc gia thì quy hoạch cũng xác định khai thác hiệu quả khu vực lấn biển tại Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh để hình thành đô thị nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao trên nguyên tắc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.
Về du lịch phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực. Phát triển mạnh các sản phẩm du lịch có lợi thế như du lịch biển, đảo, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, du lịch văn hóa, các dịch vụ vui chơi, giải trí; đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Phát triển chuỗi đô thị du lịch ven biển theo hướng đô thị xanh, trong đó thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển, đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tăng cường liên kết vùng để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả phát triển du lịch trên cơ sở liên kết về tài nguyên du lịch nổi bật và hệ thống giao thông kết nối; đẩy mạnh các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng gắn kết các sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương.
Phát triển vùng động lực phía Nam TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu bằng kế hoạch nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng. Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Đầu tư các đường vành đai 3, vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, các tuyến đường bộ cao tốc, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Khu vực Đông Nam Bộ sẽ tập trung phát triển khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và xây dựng khu bến cảng Cần Giờ thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Phát triển cụm cảng TP Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu có quy mô lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và khu vực phụ cận. Nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định liên quan về quản lý hàng hải để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cảng Cái Mép - Thị Vải với mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế lớn tầm cỡ khu vực và quốc tế. Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải hiện là cụm cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam với tổng chiều dài hơn 14km. Cảng này được xếp hạng là cảng biển lớn thứ 12 trên thế giới theo bảng xếp hạng về Chỉ số CPPI (Container Port Performance Index - chỉ số hoạt động cảng container).
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, vùng Đông Nam bộ sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, các tuyến cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM. Cùng với 20 tuyến quốc lộ dài khoảng 1.743km sẽ đảm nhận vận tải hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng. Bộ Giao thông vận tải dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam bộ khoảng 413.000 tỷ đồng.
Trong tương lai Đông Nam Bộ sẽ từng bước cơ cấu lại không gian công nghiệp của vùng theo hướng chuyển TP Hồ Chí Minh và khu vực phụ cận tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thành trung tâm mạnh về công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó dịch chuyển dần các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, tài nguyên tới các khu vực phát triển mới tại tiểu vùng phía Bắc và tiểu vùng ven biển.
Trang Anh - Theo Đời sống & pháp luật