Lãi suất giảm nhưng tiền gửi ngân hàng tăng, còn dân chúng đổ đi mua vàng phòng thủ. Bạn nghe qua tưởng như là ở Việt Nam, nhưng thật ra ở Trung Quốc cũng đang như vậy.
Số liệu thống kê gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến tháng 11-2023, lượng tiền gửi vào các hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục 12,8 triệu tỉ đồng. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 6,3 triệu tỉ đồng, tiền gửi của dân cư đạt gần 6,5 triệu tỉ đồng.
Nhưng mà ít ra thì lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm của nhiều ngân hàng Việt Nam vẫn còn trên 3,8%. Trong khi đó ở Trung Quốc, những ngân hàng lớn như ICBC, China Construction Bank and Bank of China đều đã giảm lãi suất kỳ hạn một năm xuống dưới 1,45%, thấp nhất kể từ 1996.
Cũng như Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm ở Trung Quốc trong ngân hàng vẫn tăng, với mức tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm vào cuối năm 2023 là hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Giới trẻ nước này cũng đang quay sang mua vàng như ông bà mình.
"Giới trẻ Trung Quốc nhịn trà sữa để mua vàng", một tít bài có vẻ hài hước hồi tháng 11-2023 cho thấy một điều hoàn toàn trái ngược với hành xử vào năm 2019 khi: "Người trẻ Trung Quốc không hứng thú mua vàng".
Điều gì đang xảy ra vậy?
Thận trọng và phòng thủ
Ở cả Việt Nam và Trung Quốc, có một trạng thái chung, đó là tâm lý thận trọng và phòng thủ của doanh nghiệp cũng như người gửi tiền. Lãi suất giảm, nhu cầu vốn yếu.
Bảy chữ này phản ánh tình hình chung của cả Việt Nam và Trung Quốc, dù phía Trung Quốc thì quy mô tác động nặng hơn Việt Nam khá nhiều, phản ánh ngay trên mặt bằng lãi suất thấp nhất kể từ 1996 của họ. Có người cho rằng Việt Nam đang đối mặt với "căn bệnh thừa tiền".
Nhưng vì đâu như vậy?
Trừ câu chuyện tiền gửi tiết kiệm tăng nhiều và mua vàng, thì nhu cầu vốn yếu không chỉ là hiện tượng ở Việt Nam hay Trung Quốc. Nhiều nền kinh tế ở châu Âu cũng như vậy. Đó là do kinh tế nhiều nước khó khăn.
Nhật Bản và Anh đi vào suy thoái kỹ thuật vào đầu năm nay. Trong khi đó, kinh tế Đức - đầu tàu của châu Âu, dự kiến có thể chỉ tăng trưởng 0,2% năm nay, giảm mạnh so với mức 1,3% dự báo trước đó, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu.
Khả năng Đức tiếp bước Nhật và Anh trên con đường suy thoái kỹ thuật là không nhỏ. Nền kinh tế lớn khác của châu Âu là Pháp cũng trong tình trạng đình trệ dù chưa suy thoái. Tình trạng khó khăn này vì vậy là tình hình chung của nhiều nước, và có ảnh hưởng lẫn nhau.
Ở một góc khuất khác, bất động sản thương mại ở Mỹ, châu Âu và Úc tiếp tục trong tiến trình điều chỉnh giảm. Những tòa nhà văn phòng, thương xá tại vị trí đắc địa ở London và Melbourne giảm 30-40% là bình thường.
Trong khi đó, câu chuyện giảm giá hơn 50% của một số bất động sản thương mại Mỹ vào cuối năm 2023 đã không còn là bất ngờ nữa mà là bình thường mới. Đến mức mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phải thừa nhận với truyền thông rằng bà có quan ngại về lĩnh vực bất động sản thương mại trong điều kiện lãi suất cao hiện nay, dù bà nói thêm rằng tình hình trong tầm kiểm soát.
Một số quỹ đầu tư vẫn đang đặt cược một vài ngân hàng quy mô vừa và nhỏ của Mỹ có thể gặp rủi ro phải đóng cửa như Ngân hàng Silicon Valley đầu năm ngoái, lần này là vì cho vay bất động sản thương mại quá nhiều.
Nhìn tổng thể, với một bộ phận dân cư và doanh nghiệp trên toàn cầu, tình hình hiện tại vẫn rất khó khăn. Vì vậy họ chọn thận trọng, gửi tiết kiệm, giảm vay nợ và chờ đợi. Do đó thanh khoản hệ thống dư thừa, nhu cầu vay tín dụng yếu, nên ai cũng cảm giác là nền kinh tế đang đối mặt căn bệnh thừa tiền.
Nhưng vẫn có những tín hiệu lạc quan
Dù tình hình như vậy, nhưng nếu ai đó cho rằng kinh tế toàn cầu rất xấu thì lại không đúng. Khu vực các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, dù có khó khăn, vẫn được kỳ vọng tăng trưởng bình quân trên 4%.
Mỹ vẫn được kỳ vọng tăng trưởng trên 2%, dù đã giảm so với mức 2,5% của 2023, theo ước tính của IMF. Sản xuất công nghiệp của Mỹ sau nhiều tháng suy giảm, đang có dấu hiệu gượng dậy, trong khi khu vực dịch vụ tiếp tục đủ vững để gánh nền kinh tế, dù có chật vật hơn trước.
Sự khôi phục của nhu cầu đơn hàng từ Mỹ và một số nền kinh tế châu Âu như Đức góp phần tạo ra đơn hàng cho nhóm nền kinh tế châu Á. Đơn hàng quay trở lại là tít báo dễ tìm thấy những ngày này.
Tuy tiến trình hồi phục còn gian nan, như được phản ánh là một số doanh nghiệp có đơn hàng nhưng lại khó vay tín dụng, không còn tiền vốn lưu động để sản xuất, nhưng vẫn là tín hiệu lạc quan.
Kinh tế toàn cầu lúc này có thể xem như một chiếc máy bay đang bay qua vùng nhiễu động. Máy bay có thể rung lắc, nhưng không phải là vấn đề gì quá lớn, vẫn có thể vượt qua an toàn.
Nó không đi vào tình trạng suy thoái hay khủng hoảng - ít nhất là chưa thấy dấu hiệu có tính hệ thống. Trái lại, kinh tế Mỹ và thậm chí ngay cả với kinh tế suy thoái kỹ thuật như Anh, số liệu về chi đầu tư vốn (Capex) và thị trường lao động vẫn tốt hơn rất nhiều so với những gì các nhà kinh tế dự báo.
Không phải là các con số quá tốt, mà là nó khá hơn rất nhiều so với những dự báo bi quan. Nôm na là máy bay chỉ rung lắc chứ không rơi vào tình trạng cháy nổ nguy hiểm khi bay qua vùng nhiễu động.
Có người cho rằng kinh tế Việt Nam đang đối mặt với căn bệnh thừa tiền và tỏ ra sốt ruột muốn tìm giải pháp xử lý nhanh. Nhưng nếu nhìn tổng thể câu chuyện bay qua vùng nhiễu động của kinh tế thế giới, thì đôi lúc sốt sắng tìm các giải pháp ép tăng trưởng, đẩy tiền ra quá mức vào lúc này có thể trở thành giải pháp "chín ép".
Ở thời điểm hiện tại, phối hợp chính sách nới lỏng tiền tệ vừa đủ và cố gắng giải ngân vốn đầu tư công hợp lý là đủ để tạo một môi trường kinh doanh phù hợp. Nếu tiền vẫn lỳ lợm không chảy ra thì đành phải chờ thôi. Đợi chiếc máy bay kinh tế toàn cầu lướt qua được vùng nhiễu động thì mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn.
Căn bệnh thừa tiền vì vậy có thể là một triệu chứng ngắn hạn, cần quan tâm tới, nhưng cũng không nên phản ứng thái quá với nó.■
HỒ QUỐC TUẤN - Theo Tuổi Trẻ